29 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
spot_img

Tiêm ghép hai liều vắc xin COVID-19 có hiệu quả hơn không?

Hiện tại trên thế giới đã có những nơi áp dụng việc tiêm hai liều vaccine COVID-19 thuộc hai hãng khác nhau. Vì sao có cách làm này?

Tiêm ghép vaccine COVID-19 có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã gợi ý rằng cách tiếp cận như vậy có thể là một chiến lược hiệu quả trong phòng dịch COVID-19. Một nghiên cứu trên gần 700 người ở Tây Ban Nha cho thấy rằng những người tiêm liều thứ hai là vaccine Pfizer và liều đầu tiên là vaccine AstraZeneca đã thấy kháng thể trung hòa của họ tăng gấp bảy lần. Đây là một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều so với những người tiêm hai liều đều là vaccine AstraZeneca. Một thử nghiệm nhỏ khác lại chỉ ra rằng việc trộn hai loại vaccine sẽ kích hoạt phản ứng kháng thể cao hơn khoảng bốn lần so với chỉ tiêm hai liều vaccine cùng của hãng Pfizer/BioNTech.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford (Anh) với sự tham gia của 830 người trên 50 tuổi đã chỉ ra việc tiêm ghép hai loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cách nhau bốn tuần có thể giải quyết vấn đề thiếu vaccine, nhưng sẽ gia tăng tác dụng phụ mà bệnh nhân sẽ gặp phải so với chỉ tiêm một loại.

Nếu cả hai mũi tiêm đều là vaccine AstraZeneca, mức phản ứng của cơ thể là 10%.

Nếu cả hai liều đều là vaccine Pfizer, tỷ lệ phản ứng của cơ thể là 21%.

Nhưng nếu tiêm một liều là vaccine AstraZeneca và một liều là vaccine Pfizer, dù theo bất kì thứ tự nào, tỷ lệ phản ứng của cơ thể sẽ đều tăng lên 34%.

Các phản ứng cơ thể như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ… khi tiêm ghép vaccine đều cao hơn khi chỉ tiêm một loại. Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh những biểu hiện này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và tự hết, không cần lo về phản ứng phụ không mong muốn hay độ an toàn của vaccine.

Hiện một nghiên cứu khác về tiêm ghép vaccine COVID-19 Moderna và Novavax cũng đang được tiến hành, nhằm tìm hiểu xem liệu việc kết hợp vaccine có thể mang lại khả năng miễn dịch rộng hơn, lâu hơn trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.

Việc tiêm trộn vaccine được khuyến khích tại nhiều quốc gia, khi ngay cả các chính trị gia cũng quyết định tiêm hai loại vaccine khác nhau. Thủ tướng Italy Mario Draghi, 73 tuổi, đã tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ hai của Pfizer/BioNTech, trong khi mũi thứ nhất ông được tiêm vaccine của AstraZeneca. Còn thủ tướng Đức Angela Merkel đã được tiêm phòng COVID-19 mũi thứ hai bằng vaccine của hãng Moderna, sau mũi đầu tiên là vaccine của hãng AstraZeneca mà bà đã tiêm vào tháng tư.

Tiêm trộn có thể giúp giải bài toán nguồn cung vaccine

Hai tỉnh của Canada là Ontario và Quebec đã tuyên bố sẽ tiêm ghép các loại vaccine với nhau, do tình trạng vận chuyển vaccine bị chậm trễ. Hãng phát thanh – truyền hình CBC của Canada cũng cho hay người dân nước này được tiêm hai loại vaccine khác nhau vì nguồn cung tạm thời chuyển từ Pfizer/BioNTech sang Moderna.

Việc sử dụng vaccine của liên danh Pfizer/BioNTech tại Canada với 2,4 triệu liều tạm thời bị trì hoãn trong tuần này đã khiến các tỉnh phải thay đổi lịch hẹn tiêm cho người dân sang vaccine Moderna để tránh bỏ lỡ việc triển khai tiêm vaccine vào thời điểm quan trọng.

Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) của Canada cập nhật hướng dẫn vào đầu tháng này cho phép sử dụng vaccine Moderna và Pfizer thay thế cho nhau, do cả hai đều sử dụng công nghệ mRNA trong sản xuất.

Tính đến ngày 25/6, hơn 66% tổng dân số Canada đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19; hơn 20% được tiêm đầy đủ hai liều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nhiều người có suy nghĩ thích tiêm vaccine này hơn vaccine kia có thể gây nguy hiểm cho những tiến bộ mà Canada đã đạt được trong việc kiểm soát đại dịch trong những tuần gần đây – với tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 80% và số ca nhập viện và tử vong giảm mạnh kể từ giữa tháng tư.

Rõ ràng, tại thời điểm các biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng lên thì việc tiêm phòng càng phải được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên cũng cần lưu ý dù tiêm đủ vaccine thì vẫn không có nghĩa là được bảo vệ 100% khỏi COVID-19 do không có loại vắc xin nào hiện có khả năng bảo vệ tuyệt đối. Chỉ khi các quốc gia cùng đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng, song song với duy trì các biện pháp y tế công cộng để phòng dịch (như ở Việt Nam là Khuyến cáo 5K) thì dịch COVID-19 mới được kiểm soát hiệu quả.

Theo vtv.vn

Related Articles

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

15,018Thành viênThích
183Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -spot_img

Bài viết mới nhất